CẢNH GIÁC LỘ THÔNG TIN CÁ NHÂN CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG TÍN DỤNG ĐEN
Là kênh hỗ trợ vốn quan trọng, nhưng thời gian gần đây, nhiều công ty tài chính tiêu dùng trong đó có PTF rơi vào tình trạng bị hiểu nhầm là tín dụng đen khi bị các đối tượng lừa đảo giả mạo.
Tài chính tiêu dùng và nỗi lo bị giả mạo
Ở Việt Nam chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng…) tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm với công ty tài chính được cấp phép.
Chính việc bùng nổ của các app cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.
Bên cạnh các hoạt động cho vay, nghiệp vụ đòi nợ của các đối tượng này cũng “núp bóng”, lợi dụng thông tin từ các công ty tài chính tiêu dùng chính thức để đưa ra phương thức sai pháp luật.
Khách hàng bị lộ, lọt thông tin cá nhân vào các đối tượng tín dụng đen
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục an toàn thông tin (Bộ thông tin - truyền thông), có tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Đây là những cơ hội thuận lợi để đối tượng xấu thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân nhằm mục đích trục lợi.
Sau khi có được thông tin cá nhân của Khách hàng, các đối tượng sẽ giả danh PTF hay các tổ chức tài chính uy tín khác để tạo lòng tin với Khách hàng bằng các kịch bản:
- Giả làm nhân viên Công ty.
- Xây dựng kênh truyền thông/Link/App/Tổng đài giả mạo gần giống các tổ chức.
- Đặc biệt, gần đây có những đối tượng tiếp cận và báo với Khách hàng rằng thông tin cá nhân của Khách hàng đã được PTF chuyển thông tin cho các đối tượng đó và yêu cầu Khách hàng truy cập đường Link để đăng ký khoản vay.
Các hành vi giả mạo nhân viên, giả mạo thương hiệu PTF đang gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bán hàng của PTF. Về lâu dài có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho “tín dụng đen” phát triển. Thậm chí, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên PTF cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo.
Chủ động để hạn chế tổn thất
Để ngăn chặn, hạn chế tổn thất cho khách hàng, PTF đã và đang triển khai các giải pháp kỹ thuật, truyền thông, cập nhật kịch bản lừa đảo, phối hợp với cơ quan Công an để điều tra, triệt phá các đường dây gian lận, lừa đảo.
Tuy vậy, cách phòng tránh tốt nhất là từ chính người dân bằng cách thực hiện các khuyến nghị sau:
- Không cung cấp cho bất kỳ ai, trong bất kỳ tình huống nào (kể cả với cán bộ PTF hay trong các cuộc gọi xử lý tra soát khiếu nại thẻ, hỗ trợ tư vấn khoản vay): các thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn thẻ, 3 chữ số bảo mật in tại mặt sau thẻ, mã OTP xác nhận giao dịch), hình ảnh 2 mặt thẻ tín dụng. Các thông tin user/mật khẩu, OTP đăng nhập APP.
- Không gửi hoặc đăng tải hình ảnh giấy tờ tùy thân cho các cá nhân, tổ chức hoặc các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc kém uy tín trên mạng xã hội.
- Không click vào các đường link lạ, hoặc truy cập vào các đường link lạ bằng hình thức copy.
- Không download các APP không thuộc kho ứng dụng của IOS Store hoặc kho ứng dụng của Android. Đặc biệt, PTF hiện tại KHÔNG có App (ứng dụng) PTF, các App (ứng dụng) lấy hình ảnh, thương hiệu PTF đều là GIẢ MẠO.
- PTF không thu bất kỳ khoản phí nào của Khách hàng trong quá trình cấp tín dụng, không yêu cầu khách hàng chuyển khoản để xác minh thu nhập, xác minh năng lực tài chính.