Kinh doanh nhượng quyền: Thừa cơ hội, ít thành công

Trà sữa, mỳ cay, trà chanh… từng tạo cơn sốt với nhan nhản những cửa hàng nhượng quyền len lỏi khắp Hà Nội. Trước khi COVID-19 xuất hiện, nhiều con phố Thủ đô có tới 2-4 cửa hàng trà chanh san sát nhau, với các chuỗi cửa hàng nhượng quyền: Bụi phố, Chill, Tmore, Layla… Những thương hiệu này có hàng trăm cửa hàng khắp cả nước. Bẵng đi một thời gian, các chuỗi trà chanh lụi tàn, ghế vỉa hè một lần nữa “đổi chủ” với trào lưu Mixue (hãng kem - trà sữa đến từ Trung Quốc).

Ở Hà Nội cho thấy, các cửa hàng Mixue đã len lỏi vào từng khu dân cư, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại... Với thế mạnh sản phẩm bình dân, giá rẻ, người người, nhà nhà thi nhau mua thương hiệu Mixue, với giá 800 triệu - 1 tỷ đồng/điểm bán. Đến đầu tháng 4/2023, thương hiệu này cán mốc 1.000 cửa hàng trên cả nước, con số tăng chóng mặt trong thời gian ngắn.

Anh Nguyễn Bình (Hà Nội) từng kinh doanh trà chanh nhượng quyền cách đây 5 năm, và chỉ sau chưa đầy 1 năm đã sang nhượng quán, vì càng làm, càng lỗ, các cửa hàng xung quanh mọc lên như nấm. Năm 2022, anh Bình tìm hiểu để mua Mixue nhưng cuối cùng anh quyết định không đầu tư, do e ngại số vốn bỏ ra lên đến cả tỷ đồng khó thu hồi khi cạnh tranh ở Hà Nội quá lớn.

Chị Hà Linh, người từng kinh doanh cửa hàng Mixue tại Hà Nội và đã sang nhượng quán sau khoảng 1 năm vận hành. Giá nhượng là hơn 1,05 tỷ đồng đã tìm được chủ mới tiếp quản. Cũng như chị Linh, gần đây, một số chủ cửa hàng Mixue đã thông báo qua mạng xã hội để sang nhượng quán.

Không chỉ những “tay ngang” gặp khó, thất bại với kinh doanh nhượng quyền, ngay cả những những người giàu kinh nghiệm cũng từng “nếm” trái đắng. Bà Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & dịch vụ Vua Cua cho biết, từng thất bại với 2 chi nhánh nhượng quyền tại Nha Trang, TPHCM do chọn sai đối tác, chưa hoàn chỉnh quy trình vận hành chuỗi.